TT bổ ích

BĐS "thở phào" vì thoát nhóm phi sản xuất

Xuất bản: Thứ sáu, 19/8/2011, 12:17 [GMT+7]
Theo Đầu tư Chứng khoán
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho triển khai thí điểm Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà

"Chính phủ đồng ý đã đưa bất động sản (BĐS) ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất tức là thoát khỏi nhóm bị hạn chế cho vay và đồng ý cho triển khai Quỹ tiết kiệm nhà ở"
Đây là hai thông tin nóng được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam công bố ngày 18/8 tại Hội thảo "Tác động của thị trường BĐS lên thị trường tài chính Việt Nam - Những khuyến nghị chính sách" do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Đại sứ quán Ai Len tổ chức tại Hà Nội.

Nới tín dụng BĐS để cứu... ngân hàng

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức đã tác động xấu lên chất lượng tăng trưởng tín dụng nói chung và tín dụng BĐS nói riêng, làm cho các nhà đầu tư không thể thay đổi kịp phương án kinh doanh.

Cụ thể, theo ông Nghĩa, dư nợ BĐS đến tháng 6/2011 khoảng 245.000 tỷ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường BĐS khá ảm đạm, nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3% tổng dư nợ lĩnh vực này, trong đó, đáng chú ý là nợ thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) khoảng 40%. Đặc biệt, tín dụng BĐS tập trung vào hai thị trường là TP. HCM và Hà Nội với tỷ lệ tương ứng là 45% và 18% tổng dư nợ BĐS.

Ông Nghĩa cảnh báo, tình trạng này nếu không sớm được khắc phục thì lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS, kể cả đầu tư vào cung và cầu, đều có nguy cơ trở thành nợ xấu và khó thu hồi. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các DN BĐS dựa nhiều vào đòn bẩy tài chính, mà chủ yếu là từ tín dụng ngân hàng. Thực tế, vay vốn ngân hàng lãi suất cao, dòng vốn tín dụng không như kỳ vọng đã làm đa số DN rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nam bổ sung thêm, theo báo cáo của một số DN, lãi suất vay tín dụng BĐS trong năm 2010 dao động từ 15 - 17%/năm, đến nay đã tăng lên trên 20%/năm. Thậm chí, nhiều DN không ký được hợp đồng tín dụng mới, những hợp đồng tín dụng cũ cũng không được giải ngân tiếp, gây khó khăn cho DN, nhất là đối với các dự án dở dang.

"Việc thiếu hụt nguồn vốn từ phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng, không những làm cho các giao dịch BĐS giảm, tiến độ triển khai các dự án chậm lại, mà còn xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư trong nước có dự án nhưng thiếu vốn đầu tư đã phải chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài", ông Nam nói.

Từ kinh nghiệm thực tế của DN, ông Bùi Thanh Sơn, cố vấn Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng phản ánh, theo thống kê của Phú Mỹ Hưng, trong giai đoạn vừa qua, chỉ khoảng 30% khách hàng mua nhà của Phú Mỹ Hưng có vay vốn ngân hàng. Điều này cũng làm chậm lại tốc độ phát triển các khu đô thị Việt Nam.

Cần phân biệt rõ loại hình BĐS

Ông Sơn cho rằng, việc hạn chế tín dụng BĐS nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết, nhưng không nên áp dụng cho tất cả các loại hình BĐS. Việc hạn chế tín dụng BĐS, nếu có thể, nên được cảnh báo sớm và thực hiện theo lộ trình, tránh rơi vào tình trạng khó khăn xảy ra cùng một lúc đối với thị trường, dẫn tới không thể tháo gỡ và kéo theo những phản ứng dây chuyền lên lĩnh vực khác.

"Đối với khách hàng vay vốn để mua nhà để ở, nên có những nguồn vốn dài hạn với lãi suất ổn định. Ví dụ như ở Đài Loan, tiền lãi vay mua nhà còn được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân", ông Sơn đề xuất.

Ở góc độ cơ quan quản lý, sau khi thông báo việc Chính phủ chính thức đưa BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị, cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng.

"Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng BĐS, tuy có phân định tỷ lệ vay của các loại hình BĐS, nhưng không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu như nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, hay BĐS nghỉ dưỡng…, dễ dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, nên khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ", ông Nam nhận định và kiến nghị, cần phải có tiêu chí cho vay để hướng các tổ chức tín dụng ưu tiên các dự án có tính thanh khoản cao, đảm bảo thu hồi nợ, cân đối nguồn vốn đáp ứng cho cả cung và cầu, hạn chế cho vay đầu cơ, rủi ro cao.

Cũng theo ông Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho triển khai thí điểm Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà, nhưng cần đồng thời nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS trong thời gian tới để tạo thêm nguồn cung cấp vốn, ngoài các tổ chức tín dụng, cho thị trường BĐS.

Tác giả: Minh Nhật

Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh, hầm vượt sông Hồng

Theo Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, xây mới trục Hồ Tây - Ba Vì, 8 cầu và hầm qua sông Hồng... Trụ sở các cơ quan đầu não trung ương đặt tại Ba Đình.
>
 Trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ hạn chế nhà cao tầng

Theo quyết định ký ngày 26/7 của Thủ tướng, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Hà Nội, rộng hơn 3.340 km2. Tổ chức không gian sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa... của cả nước. Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.
Ảnh: Hoàng Hà.
Hồ Gươm vẫn là trung tâm thủ đô với trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND xung quanh. Ảnh: Hoàng Hà.
Đây là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 Hà Nội đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 4,6 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha.
Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2) là khu bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội và khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.
Khu mở rộng phía nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4) gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Đây là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.
Khu mở rộng phía bắc sông Hồng, nam sông Cà Lồ gồm 3 khu chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên (phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1); khu đô thị Đông Anh (phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và của quốc gia, trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội và vui chơi giải trí của thành phố); khu đô thị Mê Linh - Đông Anh (phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh).
Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.
5 đô thị vệ tinh có chức năng đặc thù riêng, gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ... Dự báo dân số ở 5 đô thị vệ tinh đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3-1,4 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha.
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc (cửa ngõ phía tây Hà Nội) có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, đầu tư các cơ sở trọng tâm là ĐH quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục hoàn thiện Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ như: Trung tâm y tế, các cơ sở giáo dục đại học, các dự án về đô thị mới như Tiến Xuân - Phú Mãn, Đông Xuân.
Đô thị vệ tinh Sơn Tây (cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội) là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới.
Đô thị vệ tinh Xuân Mai (cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội) là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng...
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội) là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề... Xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước nhân tạo lớn để phục vụ thoát nước, phù hợp với đặc điểm thấp trũng của khu vực.
Đô thị vệ tinh Sóc Sơn (đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô) là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo.
Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới.
Hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đìnhtrong khi khu vực Tây Hồ Tây bố trí thêm trụ sở các cơ quan trung ương.
Theo quyết định, Thủ tướng yêu cầu, rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây; ưu tiên vị trí tại khu vực tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.
Trụ sở cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND thành phố bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Trên cơ sở di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ - ngành, bố trí trụ sở sở ngành của thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.
Ảnh: Hoàng Hà.
Năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30 m2 mỗi người. Ảnh: Hoàng Hà.
Về định hướng phát triển nhà ở, đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30 m2 sàn sử dụng mỗi người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25 m2 sàn sử dụng mỗi người. Khu vực nội đô sẽ được cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật.
Theo quy hoạch, sẽ xây dựng mới các khu, cụm đại học tại khu vực ngoại thành. Quy hoạch nêu rõ, phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên.
Tại khu vực nội đô sẽ tăng diện tích xây dựng các trường phổ thông và mầm non thông qua dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng các cơ sở khu cụm công nghiệp, các trụ sở cơ quan...
Các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao sẽ được di chuyển ra khỏi nội đô; dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao. Nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô, khai thác phục vụ cộng đồng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Đồng thời, đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia như: trung tâm đào tạo - khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược - trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện Trung ương và Thành phố tại các khu vực Gia Lâm - Long Biên (khoảng 50 ha), Hòa Lạc (khoảng 200 ha), Sóc Sơn (khoảng 80-100 ha), Phú Xuyên (khoảng 200 ha), Sơn Tây (khoảng 50 ha)...
Để thực hiện quy hoạch, Thủ tướng giao UBND Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố công khai, lưu trữ hồ sơ, đồ án; tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy hoạch xây dựng các khu dân cư nông thôn... Hà Nội cũng có trách nhiệm rà soát, quản lý các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố theo điều kiện cụ thể từng khu vực, phù hợp quy hoạch chung được phê duyệt....
Trong khi đó, Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm chủ trì việc tổ chức công bố quy hoạch; kiểm tra việc thực hiện đồ án quy hoạch chung.
Theo quy hoạch Hà Nội sẽ xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông, theo đó sẽ tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng. Đồng thời, xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng, 3 cầu qua sông Đuống, 2 cầu qua sông Đà.


Một số dự án đường 32 giảm giá mạnh
Xuất bản: Thứ sáu, 22/7/2011, 10:20 [GMT+7]
Theo VTV
Dự án Kim Chung, Di Trạch và Tân Tây Đô dọc đường 32 dẫn đầu thị trường về mức giảm giá gần 20 triệu đồng/m2.


Theo tin từ một số Văn phòng nhà đất, giá đất nền tại nhiều dự án xung quanh trục đường 32 huyện Hoài Đức đã giảm khoảng gần 20 triệu đồng/m2.


Nguyên nhân của đợt tụt giảm này được nhận định là do sự ra hàng của dự án Vân Canh do Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) làm chủ đầu tư. Khởi đầu đợt giảm giá mạnh là sự xuống giá tới gần 20 triệu đồng/m2 của một loạt dự án xung quanh trục đường 32 huyện Hoài Đức (Hà Nội) như Kim Chung, Di Trạch, Tân Tây đô, Bắc 32.


Theo giới BĐS  nhận định, sở dĩ có sự xuống giá mạnh của khu vực này là do dự án Vân Canh của Tập đoàn phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư chính thức ra hàng. Với mức giá gốc chủ đầu tư đưa ra là 31 triệu đồng/mét bao gồm xây thô. Giao dịch chênh lệch trên thị trường hiện ở mức trên 40 triệu/m2.


Như vậy, với mức giá trên, giá một mét đất chưa bao gồm tiền xây thô chỉ khoảng trên 30 triệu đồng. Điều đó đã khiến các dự án bên cạnh cũng vì thế mà giảm từ mức khoảng 50 triệu đồng/m2 xuống trên 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giao dịch vẫn rất ảm đạm.


Dự án Vân Canh mặc dù được đánh giá là dự án đẹp, có mức giá hấp dẫn, nhưng giao dịch mua bán gần như không có. Nguyên nhân là do nhiều người lo ngại về tình trạng lừa đảo mua bán nhà đất tại dự án này trong thời gian qua.


Bên cạnh vụ lừa đảo liên quan đến một số lô đất do Tasco phân phối, thì một số lô đất khác do HUD 1, HUD 8, cũng đang bị một số đối tượng lợi dụng lừa đảo bán khống trên thị trường. Hiện số người bị hại đã lên tới vài chục với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa đòi được.


Tác giả : Tuyết Mai